Phía ngoài cửa sổ
Hai người đàn ông đều bệnh nặng, được xếp chung một phòng tại bệnh
viện. Một người được phép ngồi dậy mỗi ngày trong một tiếng vào buổi
chiều để thông khí trong phổi. Giường ông ta nằm cạnh cửa sổ duy nhất
trong phòng. Người kia phải nằm suốt ngày. Hai người đã nói với nhau rất
nhiều. Họ nói về vợ con, gia đình, nhà cửa, công việc, những năm tháng
trong quân đội và cả những kỳ nghỉ đã trải qua.
Mỗi chiều, khi được ngồi dậy, người đàn ông cạnh cửa sổ dành hết thời
gian để tả lại cho bạn cùng phòng những gì ông thấy được ngoài cửa sổ.
Người kia, mỗi chiều lại chờ đợi được sống trong cái thời khắc một tiếng
đó - cái thời gian mà thế giới của ông được mở ra sống động bởi những
hoạt động và màu sắc bên ngoài.
Cửa sổ nhìn ra một công viên với cái hồ nhỏ xinh xắn. Vịt, ngỗng đùa
giỡn trên mặt hồ trong khi bọn trẻ thả những chiếc thuyền giấy. Những
cặp tình nhân tay trong tay đi dạo giữa ngàn hoa và ráng chiều rực rỡ.
Những cây cổ thụ sum suê toả bóng mát, và xa xa là đường chân trời của
thành phố ẩn hiện.
Khi người đàn ông bên cửa sổ mô tả bằng những chi tiết tinh tế, người
kia có thể nhắm mắt và tưởng tượng ra cho riêng mình một bức tranh sống
động. Một chiều, người đàn ông bên cửa sổ mô tả một đoàn diễu hành đi
ngang qua. Dù không nghe được tiếng nhạc, người kia vẫn như nhìn thấy
được trong tưởng tượng qua lời kể của người bạn cùng phòng.
Ngày và đêm dần trôi...
Một sáng, khi mang nước tắm đến phòng cho họ, cô y tá phát hiện người
đàn ông bên cửa sổ đã qua đời êm ái trong giấc ngủ. Cô báo cho người nhà
đến mang ông ta về. Một ngày kia, người đàn ông còn lại yêu cầu được
chuyển đến cạnh cửa sổ. Cô y tá đồng ý để ông được yên tĩnh một mình.
Chậm chạp gắng sức, ông nhổm dậy bằng hai cùi chỏ và ngắm nhìn thế giới
bên ngoài. Ông căng thẳng nhìn ra cửa sổ. Đối diện với cửa sổ chỉ là
một bức tường xám xịt. Ông hỏi cô y tá cái gì khiến cho người bạn khốn
khổ cùng phòng của ông đã mô tả cho ông nghe những điều tuyệt diệu qua
cửa sổ. Cô y tá cho biết rằng người đàn ông đó bị mù và thậm chí ông ta
cũng không thấy được cả bức tường nữa. Cô nói: "Nhưng có lẽ ông ta muốn
khuyến khích ông can đảm hơn lên".
Có những hạnh phúc vô biên khi mang lại hạnh phúc cho người khác bất
chấp hoàn cảnh của riêng mình. Nỗi khổ được sẻ chia sẻ vơi nửa, nhưng
hạnh phúc được sẻ chia sẽ được nhân đôi.
Vai diễn cuối cùng
Có một người diễn viên già đã về hưu và sống độc thân. Mùa hạ năm ấy
ông tìm về một làng vắng vẻ ở vùng núi, sống với gia đình người em là
giáo viên cấp I trường làng.
Mỗi buổi chiều, ông thường ra chơi nơi bãi cỏ vắng lặng ngoài thung
lũng. Ở đây, chiều nào ông cũng thấy một chú bé ra ngồi đợi đoàn tàu
chạy qua thung lũng, trước khi rẽ vào những vách đá đến phía ga trên.
Chú bé hồi hộp đợi. Đoàn tàu phủ đầy bụi đường với những toa đông đúc
hành khách như một thế giới khác lạ, ầm ầm lướt qua thung lũng. Chú bé
vụt đứng dậy, háo hức đưa tay vẫy, chỉ mong có một hành khách nào đó vẫy
lại chú. Nhưng hành khách - mệt mỏi vì suốt một ngày trên đường - chẳng
ai để ý vẫy lại chú bé không quen biết.
Hôm sau, rồi hôm sau, hôm sau nữa, hôm nào ông già cũng thấy chú bé ra
vẫy và vẫn không một hành khách nào vẫy lại. Nhìn nét mặt thất vọng của
chú bé, tim người diễn viên già như thắt lại. Ông nghĩ: "Không gì đau
lòng bằng việc thấy một em bé thất vọng, đừng để trẻ con mất lòng tin ở đời sống, ở con người."
Hôm sau, người em thấy ông giở chiếc vali hoá trang ra. Ông dán lên mép
một bộ râu giả, đeo kính, mượn ở đâu một chiếc áo veston cũ, mặc vào
rồi chống gậy đi. Ông đi nhờ chuyến xe ngựa của trạm, lên tàu đi ngược
lên ga trên. Ngồi sát cửa sổ toa tàu, ông thầm nghĩ: "Đây là vai kịch
cuối cùng của mình, cũng như nhiều lần nhà hát thường phân cho mình, một
vai phụ, một vai rất bình thường, một hành khách giữa bao hành khách đi
tàu..."
Qua cái thung lũng có chú bé đang đứng vẫy, người diễn viên già nhoài
người ra, cười, đưa tay vẫy lại chú bé. Ông thấy chú bé mừng cuống quít,
nhẩy cẫng lên, đưa cả hai tay vẫy mãi.
Con tàu đi xa. Người diễn viên già trào nước mắt cảm động hơn bất cứ
một đêm diễn huy hoàng nào ở nhà hát. Đây là vai kịch cuối cùng của ông,
một vai phụ, một vai không có lời, một vai không đáng kể nhưng đã làm
cho chú bé kia vui sướng, đã đáp lại tâm hồn chú bé và chú sẽ không mất
lòng tin ở cuộc đời.
Có lẽ phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại chính là sức mạnh
tinh thần của một người có khả năng tạo ra hầu hết mọi khía cạnh trong
cuộc đời họ.
Câu chuyện nên đọc: Suy nghĩ
Câu chuyện nên đọc: Hình ảnh về cha
Monday, September 02, 2013
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 nhận xét:
Post a Comment